Mã giảm giá cập nhật liên tục! SĂN SALE Xem ngay!

Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi - Review sách 2019

Hài hước chiếm một vị trí không thể thiếu trong đàm phán, bạn có thể chuyển bại thành thắng

Cuộc đời này không thể thiếu sự hài hước, hài hước cũng là một nét đẹp, một gia vị khiến cuộc sống thú vị hơn. Hầu như không ai là không thích hài hước, dí dỏm, hơn nữa hài hước còn gắn bó mật thiết với sự thành bại của cuộc đời mỗi người.

Trong cuộc sống gia đình, hài hước có thể khiến các thành viên trong gia đình hòa thuận và hạnh phúc hơn. Sự dí dỏm có thể hòa giải được rất nhiều mâu thuẫn và tranh cãi giữa vợ chồng, giải tỏa những hiểu lầm, bất đồng hay xóa nhòa khoảng cách, thắt chặt tình cảm cả gia đình sống trong không khí đầm ấm.

Trong giao tiếp xã hội, hài hước giúp chúng ta thiết lập được mạng lưới quan hệ rộng rãi. Người hài hước thường là những người tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, với thế giới. Có ai lại nỡ từ chối giao tiếp với những người như vậy cơ chứ?

Hài hước có thể giúp bạn tự tạo ra môi trường thuận lợi “như cá gặp nước” trong các hoạt động xã giao. Hài hước không chỉ có lợi cho việc đàm phán mà còn như một cánh tay tiếp them sức mạnh cho công việc của bạn, giúp bạn nhanh chóng đạt được thành công, chuyển bại thành thắng.

Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi – cuốn sách với nội dung phong phú mà sâu sắc này sẽ giúp các bạn có được cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng của tính hài hước dưới các góc độ, phương diện đánh giá khác nhau, cũng như có them những kĩ năng vận dụng sự hài hước vào trong cuộc sống. Hi vọng sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn có thể biến mình thành một người biết nói chuyện, khéo léo vận dụng những ngôn từ hài hước, “gãi đúng chỗ ngứa” của đối phương để mở ra con đường dẫn tới thành công, được mọi người yêu mến.

Biết cách hài hước đúng mực sẽ giúp bạn thành công. Hãy cùng tìm hiểu về nghệ thuật hài hước! Nó có thể giúp bạn đạt được những thành tựu rực rỡ cũng như nắm được bí quyết sử dụng thời gian một cách hữu hiệu trên đường đời.

Trích đoạn sách hay
HÀI HƯỚC – KĨ NĂNG NÓI CHUYỆN
CƠ HỘI CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG TRONG ĐÀM PHÁN

Hài hước là phẩm chất không thể thiếu của một người thành công. Trong khi đàm phán biết kể truyện cười, khéo léo dùng ngôn ngữ hài hước có thể giải tỏa được không khí căng thẳng, xóa bỏ ranh giới giữa đôi bên, kéo gần khoảng cách tình cảm, xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau và có lúc còn xoay chuyển được tình thế.

1. QUÂN TỬ HÙNG BIỆN, HÀI HƯỚC HỖ TRỢ

Một cao thủ đàm phán thường sử dụng thành thục kĩ năng đàm phán, từ sách lược, phương pháp, đến sức mạnh cá nhân để chiếm ưu thế trong mọi cuộc đàm phán.

Nhưng khi đôi bên đang thảo luận vô cùng gay gắt thì nhất định phải có sự hài hước, bởi có sự hài hước hỗ trợ, bạn mới dễ dàng giành được thắng lợi tuyệt đối trong đàm phán.

Biết vận dụng ngôn ngữ hàm súc và hài hước có thể sẽ tạo ra một sự lan truyền rất hữu hiệu, từ đó khiến cuộc đàm phán trở nên thuận lợi hơn.

Bởi vậy, người đàm phán phải học cách vận dụng sự hài hước để biểu đạt cảm nhận và quan điểm của bản thân chứ không phải chỉ biết dùng lời lẽ khô khan, cứng nhắc chỉ trích đối phương.

Nếu vận dụng tốt kĩ năng ngôn ngữ trong đàm phán thì có thể đạt được hiệu quả đàm phán như kì vọng.

Có một giáo đồ hỏi đức cha: “Con có thể hút thuốc trong lúc cầu nguyện không?” Lời thỉnh cầu của anh ta bị đức cha chỉ trích nặng nề.

Một giáo đồ khác lại hỏi đức cha: “Con có thể cầu nguyện khi hút thuốc không?” Lời thỉnh cầu của anh ta lập tức được đức cha cho phép, vậy là anh ta có thể hút thuốc rất ung dung.

Mục đích của hai giáo đồ này là hoàn toàn giống nhau, chỉ có cách thể hiện bằng ngôn ngữ là khác nhau, và kết quả đạt được cũng là khác nhau. Từ đó có thể thấy, kĩ năng biểu đạt tốt mới đạt được hiệu quả đàm phán như kì vọng.

Còn khi bạn là khách hàng, đàm phán với người bán hàng, bạn có biết sử dụng kĩ năng đàm phán không? Chúng ta hãy cùng xem câu chuyện cười dưới đây.

Có lần, một người phụ nữ ăn mặc rất sang trọng dắt một con chó lên xe bus, bà hỏi người bán vé: “Tôi có thể mua vé cho con chó này để nó được ngồi một chỗ như người không?”

Nhân viên bán vé nói: “Được, nhưng nó cũng phải như người, đứng trên đất bằng hai chân.”

Nhân viên bán vé không phủ định câu hỏi của người khách kia mà đưa ra điều kiện đi kèm: Giống như người, đứng trên đất bằng hai chân. Từ đó có thể hạn chế và thuyết phục đối phương.

Một gia đình không có sự hài hước thì giống như cái nhà trọ, còn ngôn ngữ không có sự hài hước thì chẳng khác nào một bản hợp đồng khô khan, nhàm chán.

Trong cuộc đàm phán, nếu biết cách vận dụng sức mạnh của sự hài hước một cách hợp lí thì sẽ dễ dàng đạt được thành công. Hài hước không những phản ánh cá tính của một người mà còn thể hiện tài trí thông minh của người đó.

Học cách đàn phán không phải là một việc khó, chỉ cần bạn nỗ lực học tập, nắm được kĩ năng và sách lược đàm phán, để sự hài hước trở thành trợ thủ trong cuộc đàm phán của bạn, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công.

2. KHÉO LÉO SỬ DỤNG SỰ HÀI HƯỚC ĐỂ GIẢI TỎA KHÔNG KHÍ NẶNG NỀ

Không khí đàm phán được quyết định bởi thái độ của các bên tham gia, nó có thể ảnh hưởng tới tâm lí, tâm trạng và cảm giác của người đàm phán, từ đó tạo nên những phản ứng tương ứng.

Do đó, không khí đàm phán có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với quá trình đàm phán. Có không khí đàm phán thì lạnh lùng, đối lập; có không khí đàm phán thì nhẹ nhàng, dễ chịu; có không khí thì tích cực, thân thiện; cũng có không khí thì bình thường, nghiêm túc.

Sự tiếp xúc ngắn ngủi của đôi bên trong quá trình đàm phán có vai trò mấu chốt trong việc hình thành không khí đàm phán.

Tuy rằng, cùng với sự tiếp xúc thường xuyên và nội dung đàm phán được thảo luận không ngừng, thì không khí đàm phán sẽ có sự thay đổi nhất định, nhưng nó chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự tiếp xúc bằng ánh mắt, tư thế đi đứng, tư thế tay và cả những lời nói, ngữ điệu mà đôi bên dành cho nhau khi mới gặp mặt.

Hài hước là sự thể hiện rất tự nhiên tình cảm của con người, có thể trực tiếp khiến đối phương tháo bỏ lớp phòng bị, thậm chí nó còn như một chất xúc tác giúp giải tỏa không khí căng thẳng, đối lập ban đầu.

Hài hước cũng là một phương pháp tốt khiến cuộc đàm phán ban đầu tưởng như sẽ đi vào ngõ cụt trở nên thuận lợi hơn, có thể khiến đối phương dễ dàng chấp nhận thông tin bạn đưa ra trong bầu không khí chân thành, thoải mái.

Trong quá trình đàm phán có thể có một số ngôn ngữ người ta không tiện, không nỡ hoặc hoàn cảnh không cho phép nói ra, thì lúc này rất cần sử dụng ngôn ngữ hài hước.

Vận dụng ngôn ngữ hài hước vừa điều hòa mối quan hệ giữa đôi bên vừa có thể đạt các hiệu quả dưới đây.

1. Điều tiết quan hệ

Ngôn ngữ hài hước tạo nên không khí vui vẻ, hơn nữa cũng hỗ trợ cho việc điều tiết quan hệ giao tiếp, khiến các bên đều có tâm lí vui vẻ, dễ chịu.

Không khí cuộc họp, gặp mặt trở nên sôi nổi hơn khi có sự hài hước. Câu nói hài hước sẽ nhanh chóng xóa nhòa khoảng cách giữa các bên.

2. Khéo léo tạo tiếng cười

Có một vị khách cài khăn ăn lên cổ trong một nhà hàng sang trọng.

Chủ nhà hàng nhìn thấy cảnh đó thấy rất phản cảm, liền gọi một nhân viên phục vụ tới, nói với anh ta: “Cậu ra nói với quý ông kia rằng việc đó không được cho phép ở nhà hàng chúng ta. Nhưng phải nhớ là nói sao cho thật khéo.”

Người phục vụ đi tới trước bàn của vị khách, lịch sự hỏi: “Thưa ngài, ngài muốn cạo râu hay cắt tóc ạ?”

Nghe câu hỏi của người phục vụ, vị khách mới ý thức được hành vi của mình là không đúng đắn, bèn tháo khăn ăn ra.

Một cuộc đàm phán có thể vốn dĩ rất nhẹ nhàng, cởi mở, nhưng do một vấn đề nào đó mà đôi bên nảy sinh tranh chấp khiến không khí đột nhiên trở nên căng thẳng, có khả năng đi tới thất bại. Lúc đó, vấn đề cấp bách nhất mà đôi bên phải đối mặt không phải là tiếp tục tranh luận, mà là phải nghĩ một cách để nhanh chóng khiến không khí cuộc đàm phán bình thường trở lại. Mà trong tình huống này, ngôn ngữ hài hước chính là biện pháp tốt nhất nên sử dụng.

Trong một cuộc họp Hội đồng quản trị, mọi người đang chất vấn và phê bình một số phương châm lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị, cuộc họp phút chốc rơi vào bầu không khí căng thẳng, hầu như chẳng ai còn kiểm soát được tâm trạng của mình. Vào lúc này, một nữ cổ đông lên tiếng chất vấn: “Trong một năm qua, số tiền dùng trong phúc lợi của công ty là bao nhiêu?”

“Vài triệu đô-la Mĩ.”

“Ôi, tôi ngất thật đây!”

Nghe những lời nói nặng nề đó, Chủ tịch hội đồng quản trị nhẹ nhàng đáp: “Tôi thấy thế cũng tốt.”

Câu nói hài hước này vừa thốt ra đã khiến mọi người phì cười, vị nữ cổ đông đó cũng bật cười, không khí căng thẳng lập tức biến mất.

Ông Chủ tịch đã khéo léo vận dụng lời lẽ đúng mực để biến những lời công kích đối lập thành sức mạnh của hài hước, không những cùng mọi người vượt qua khoảng thời gian căng thẳng mà còn làm giảm bớt tâm trạng kích động của những người có mặt, khiến mỗi người bình tĩnh lại để tìm cách giải quyết vấn đề.

Qua ví dụ kể trên, chúng ta có thể thấy ngôn ngữ hài hước có vai trò rất tích cực giúp hóa giải bầu không khí căng thẳng trong đàm phán.

Ngôn ngữ hài hước có ba đặc điểm cơ bản nhất:

Thứ nhất, nó có thể khiến con người bật cười, đây là đặc điểm về phương thức biểu đạt.

Thứ hai, nó có ngụ ý rất sâu sắc, đây là đặc điểm về nội dung biểu đạt.

Thứ ba, nó thân thiện và thiện ý, đây là đặc điểm về mục đích biểu đạt.

Hài hước đồng thời phản ánh thái độ lạc quan, tích cực, sự đồng cảm và tình yêu thương, thái độ cao thượng, sự giàu có về tri thức và tu dưỡng đạo đức của con người.

Trong các cuộc đàm phán thương mại hiện đại, sự hài hước ngày càng phát huy vai trò quan trọng, nó được coi là tuyệt chiêu giành chiến thắng trong một số trường hợp đặc biệt. Ngôn ngữ hóm hỉnh, hài hước rất có ích cho việc tạo ra một bầu không khí dễ chịu khi cuộc đàm phán đang trong lúc căng thẳng.

Trong một cuộc đàm phán quan trọng, bởi vì đôi bên đều chưa từng tiếp xúc với nhau trước đó nên không khí có vẻ rất trầm lắng.

Đúng vào lúc khó xử này thì đại diện bên A đột nhiên lên tiếng: “Giám đốc Nam, nghe nói ông tuổi hổ, dưới sự lãnh đạo của ông, quý công ty đúng là như hổ thêm cánh.”

“Cảm ơn anh quá khen, chỉ tiếc tôi về đến nhà là như con hổ giấy.”

“Ồ, vì sao?”

“Vợ tôi khắc tôi nên tôi phải chịu thiệt thôi.”

“Thế vợ ông…”.

“Cô ấy cầm tinh Võ Tòng!”

Câu nói hài hước này rõ ràng là cố ý, nhưng lại có tác dụng làm giảm bầu không khí căng thẳng.

Đôi bên mỗi người một câu, sau vài câu hài hước, không khí trầm lắng ban nãy lập tức trở nên sôi nổi, cởi mở hơn. Nhất là trong cuộc đàm phán lần đầu tiên, đôi bên nên biết trò chuyện thêm những vấn đề ngoài công việc để tạo ra một không khí đàm phán tốt.
Nếu có thể giống như người đàm phán trong ví dụ kể trên, vận dụng đúng lúc ngôn ngữ hài hước, thì sẽ khiến mối quan hệ xa lạ trở nên thân thiết hơn.

Trong cuộc đàm phán, biết sử dụng cử chỉ cũng có thể làm giảm bớt tình hình căng thẳng, tạo ra không khí thân thiện, cởi mở, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa đôi bên, làm giảm đi tâm lí đối lập.

Cuộc sống có sự hài hước thì trở nên giàu sức sống hơn; con người có sự hài hước thì sẽ có những thành công nhất định trên đường đời.

Từ những mối quan hệ lớn như quốc gia với quốc gia, nhỏ như gia đình với cá nhân, sự hài hước đều có thể hóa giải mọi nguy cơ tiềm ẩn trong đó.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, Thủ tướng Anh Churchill sang thăm nước Mĩ để kêu gọi viện trợ vật chất. Ông được Tổng thống Mĩ Roosevelt đón tiếp rất nhiệt tình và mời vào ở Nhà Trắng.

Một buổi sáng, Churchill đang nằm trong bồn tắm, thư thái hút xì-gà thì cửa mở ra, Roosevelt bước vào. Thứ đầu tiên đập vào mắt ông là cái bụng rất to của Churchill đang nổi trên mặt nước…

Hai nhân vật nổi tiếng thế giới gặp nhau vào lúc này thật là một tình huống trớ trêu, đồng thời cũng ẩn tàng một nguy cơ chính trị. Đột nhiên Churchill vứt xì-gà đi, mỉm cười nói: “Thưa ngài Tổng thống, tôi là Thủ tướng Anh, ở trước mặt ngài lúc này thật chẳng còn chút gì giấu giếm!”

Churchill đã dùng ngôn ngữ hài hước để biến sự bối rối thành thân thiện, đồng thời cũng đạt được mục đích chính trị, một mũi tên trúng hai đích, cuối cùng cuộc đàm phán đã thành công, nước Anh nhận được viện trợ của Mĩ.

Không khí đàm phán khác nhau cũng sẽ có những ảnh hưởng khác nhau tới tiến trình, nội dung và kết quả cuộc đàm phán.

Ví dụ, không khí hợp tác nhiệt tình, tích cực sẽ khiến cuộc đàm phán nhanh chóng phát triển theo hướng hợp tác giữa đôi bên; còn một cuộc đàm phán lạnh lùng, đối lập và căng thẳng thì cũng thường phát triển theo hướng thất bại, rất khó giải quyết được vấn đề.

Trong mọi tình huống thông thường, ai cũng hi vọng có một không khí đàm phán cởi mở, để có thể giải quyết vấn đề của đôi bên một cách thuận lợi.

Bởi vậy, khi cuộc đàm phán bắt đầu, một nhiệm vụ quan trọng của người tham gia đàm phán là biến tiêu cực thành tích cực, tạo ra không khí hòa hợp, thân thiện, cởi mở.

Trong đàm phán, dùng ngôn ngữ hài hước để tạo ra không khí tích cực là phương pháp xử lí tốt nhất.

Bạn có thể vận dụng ngôn ngữ hài hước, uyển chuyển để giải thích cho đối phương, như thế giúp giải tỏa được những bất mãn và giận dữ tích tụ trong lòng đối phương, khiến cuộc đàm phán lại được tiến hành thuận lợi.

3. HÀI HƯỚC KHIẾN ĐỐI PHƯƠNG THAY ĐỔI

Sự hài hước thể hiện tố chất riêng của mỗi người.

Hài hước không chỉ là lời nói đùa thông thường, cũng không phải là buổi diễn kịch. Trên thực tế, hài hước phản ánh sự nhạy bén, thông minh, cơ trí, thân thiện và hài hòa, có thể khiến đối phương thay đổi tâm trạng từ những tiếng cười. Bởi vậy, hài hước được coi là một loại năng lực.

Công ty sản xuất giày nọ đang triển khai hoạt động tiếp thị giày hàng hiệu trong một siêu thị. Trong quá trình đàm phán, công ty giày ra sức thổi phồng chất lượng sản phẩm của họ: “Giám đốc, ngài yên tâm quyết định đi, chất lượng giày của chúng tôi không có gì phải bàn, tuổi thọ của mỗi đôi giày dài ngang với tuổi thọ của ngài.”

Vị giám đốc xem xét sản phẩm mẫu, mỉm cười nói: “Hôm qua tôi vừa đi kiểm tra sức khỏe, chẳng có bệnh tật gì cả, tôi không tin là mình chết sớm.”

Trong cuộc đàm phán này, vị giám đốc đã khéo léo mượn cảm hứng từ câu tự khen ngợi sản phẩm giày của công ty giày, sử dụng cách nói hài hước để đưa ra suy nghĩ của mình về chất lượng giày, không những thể hiện được trí tuệ của mình mà còn khiến công ty giày khó lòng biện hộ, cuối cùng đành phải rút lui.

Thường thì không có một cuộc đàm phán nào diễn ra thuận lợi từ đầu đến cuối, hầu hết đều nảy sinh nhiều tình huống trớ trêu, căng thẳng, có lúc là những mâu thuẫn rất khó giải quyết, khi đối diện với chúng, bạn cần phải xử lí một cách thỏa đáng. Trên thực tế, trước những vấn đề nan giải chúng ta vẫn có thể sử dụng một phương thức rất nhẹ nhàng để giải quyết: cánh cửa lớn có thể được mở ra bằng chiếc chìa khóa hài hước. Bởi hài hước chính là liều thuốc giải khiến không khí trở nên nhẹ nhàng hơn.

Có một anh nhân viên marketing rất hoạt bát, cởi mở, dễ gần. Có lần, anh đi vào một tòa soạn báo, mỉm cười hỏi: “Xin hỏi, các anh có cần một biên tập giỏi không?”

“Không.”

“Phóng viên thì sao?”

“Cũng không cần”.

“Nếu xưởng in thiếu người cũng được”.

“Không, giờ chúng tôi chẳng có chỗ trống nào cả”.

“Thế thì chắc chắn các anh cần một thứ”.

Anh chàng trẻ tuổi này vừa nói vừa lấy một tấm biển rất đẹp – sản phẩm của công ty anh – từ trong túi ra, trên đó viết: “Đủ người, không tuyển dụng thêm”. Nhờ thế anh dễ dàng hoàn thành một vụ làm ăn.

Trong cuộc đàm phán, hài hước có thể giúp bạn dễ dàng phá vỡ được không khí căng thẳng và thoát khỏi khó khăn, khiến đối phương phải thay đổi tâm trạng, từ đó dễ dàng giành được thắng lợi.

Carnegie từng nói, nắm bắt được kĩ năng ứng biến ngôn ngữ một cách thần kì và cơ trí, cho dù là đối với diễn thuyết hay đối với đàm phán đều có vai trò và ảnh hưởng vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, trong quá trình diễn thuyết hay đàm phán, tự trào cũng có vai trò rất kì diệu, có thể làm thay đổi không khí, thúc đẩy thành công, nó là một trong những nội dung rất quan trọng của ngôn ngữ trí tuệ.

Trong quá trình giao tiếp giữa người với người, đặc biệt là khi đàm phán, về những vấn đề về giá cả, có khi đối phương đòi giá quá cao, kì vọng quá cao khiến cuộc đàm phán đi vào bế tắc, nếu thích hợp sử dụng sự tự trào một cách đúng lúc thì có thể đạt được hiệu quả “lùi một bước tiến hai bước”.

“Tự trào” mà chúng tôi nói ở đây là tự mình giễu cợt mình. Tuy nhiên ý tại ngôn ngoại, ngoài mặt tuy là giễu cợt mình, nhưng trong lời nói còn có một hàm ý khác. Bởi vì tự trào trong quá trình trò chuyện có một chức năng biểu đạt và giá trị sử dụng rất đặc biệt.

Trưởng phòng của một công ty rau quả nọ đi khắp nơi để thu mua rau quả. Bên bán muốn nhân cơ hội đó kiếm một khoản lớn nên hét giá quá cao, thế là đôi bên gặp bế tắc trong vấn đề giá cả.

Thấy thị trường cung ứng sắp có vấn đề, vị trưởng phòng nóng ruột tỏ vẻ bất lực, nói:

“Thực ra, các anh quá đề cao tôi rồi, chẳng qua tôi chỉ là một trưởng phòng nhỏ bé, trong tay làm gì có nhiều quyền lực như thế? Vả lại thời tiết thì nóng thế này, tôi bỏ nhiều tiền ra để làm một vụ buôn bán lỗ vốn, trách nhiệm lớn như thế thì làm sao tôi có thể gánh vác nổi?”

Qua ngôn ngữ tự trào của ông, không những khiến người nói thách này phải nản lòng, hơn nữa còn khiến đối phương đồng cảm với “nỗi khổ” của ông, cuối cùng là phải thỏa hiệp và giảm bớt giá thành.

Tự cổ chí kim, hài hước được người ta coi là “Nghệ thuật ngôn ngữ mà chỉ người thông minh mới điều khiển được”, còn tự trào là “Cảnh giới tối cao của hài hước”. Từ đó có thể thấy, người biết tự trào phải là kẻ thông minh trong số những người thông minh, là cao thủ trong số các cao thủ.

Tự trào là nghệ thuật mà người thiếu tự tin không dám sử dụng, bởi vì bạn phải tự mắng mình, hay nói cách khác là mang những sai sót, khuyết điểm, thậm chí là khiếm khuyết về thể chất của mình ra để “đùa vui”.

Việc không giấu giếm những khiếm khuyết của bản thân, hơn nữa còn phóng đại, khoa trương, mổ xẻ nó, sau đó khéo léo giễu cợt khiến mọi người vui vẻ, nếu không phải là người độ lượng, lạc quan thì không thể nào làm được.

Có thể thấy, người tự đắc, tính toán, chi li và hà khắc rất khó có thể tự trào. Tự trào không hề làm tổn thương tới ai, nó là biện pháp an toàn nhất. Bạn có thể dùng sự tự trào để làm không khí nói chuyện trở nên sôi nổi hơn, xóa bỏ sự căng thẳng giữa những người tham gia nói chuyện khiến hoàn cảnh khó xử trở nên “dễ thở” hơn, đồng thời giữ được thể diện cho bản thân; mặt khác ở nơi công cộng, bạn dễ dàng giành được sự quý mến của mọi người.

Hài hước là chất bôi trơn trong cuộc sống, có thể phát huy vai trò khiến đối phương thay đổi tâm trạng trong đàm phán, hơn nữa sự hài hước còn là một tính cách cần phải có của người thành công.

4. BÓNG GIÓ XA XÔI, THAY ĐỔI CỤC DIỆN

“Bóng gió xa xôi” là mượn ngôn ngữ để không trực tiếp nói ra một sự vật, một người hay một quan điểm nào đó, mà chỉ nói ra những phương diện có liên quan tới vấn đề đó, để đối phương suy đoán ý nghĩa của lời nói, cuối cùng đạt được mục đích thuyết phục người khác. “Bóng gió xa xôi” cũng là một nghệ thuật, thường được sử dụng trong quá trình đàm phán.

“Từ có hạn mà nghĩa vô cùng”. Gián tiếp gợi ý hay giáo dục người khác cũng là một điểm đặc biệt của “bóng gió xa xôi”.

Từ góc độ tâm lí học xã hội mà nói, đó là một biện pháp sử dụng nhằm thể hiện sự tôn trọng, được vận dụng một cách hàm súc, gián tiếp để gây ảnh hưởng tới tâm lí và hành vi của người khác.

Giữa đêm khuya, một người Do Thái mang một khoản tiền lớn đang trên đường về nhà.

Khi đi qua một ngõ nhỏ không có đèn đường, từ góc đường đột nhiên có một người đàn ông bịt mặt lao ra, chĩa khẩu súng vào trán ông, hung hãn nói: “Nộp hết tiền ra đây!”

Người Do Thái đối mặt với khẩu súng lạnh lẽo, lập tức giả bộ run rẩy, nói: “Tôi có một chút tiền, nhưng toàn bộ là của ông chủ, anh giúp tôi một việc nhé, bắn hai viên đạn vào mũ tôi để tôi về còn biết đường ăn nói với ông chủ”.

Gã đàn ông bịt mặt không nói gì, gỡ lấy cái mũ của ông rồi bắn “pằng pằng” hai tiếng súng.

Người Do Thái lại nhờ hắn bắn thêm hai phát súng vào ống quần: “Như thế thì sẽ chân thật hơn, ông chủ không thể không tin”.

Gã đàn ông bịt mặt bực bội bắn mấy phát súng vào ống quần.

Người Do Thái lại nói: “Xin hãy bắn thêm mấy lỗ nữa vào gấu áo”.

Gã đàn ông bịt mặt chửi: “Đồ nhát gan…”

Hắn lại bóp cò, nhưng lúc này không thấy tiếng súng vang lên nữa. Người Do Thái thấy thế biết là súng đã hết đạn, gã đàn ông không còn khống chế ông được nữa, bèn xô ngã hắn rồi lập tức bỏ chạy.

Người Do Thái này biết rằng: Đối diện với một tên cướp mang súng, phản kháng hay chạy trốn là vô ích, bởi vậy ông đã khéo léo vận dụng trí tuệ hài hước để bản thân thoát khỏi mối nguy hiểm này.

Người thông minh là người biết vận dụng kĩ năng bóng gió. Trong quá trình đàm phán của đôi bên, nếu một bên đàm phán là người khô khan, nguyên tắc, không biết tùy cơ ứng biến, có thể sẽ khiến một cuộc đàm phán thành công đi vào ngõ cụt.

Còn nếu là một nhà đàm phán vừa giữ nguyên tắc, vừa giỏi ứng biến thì sẽ khiến một cuộc đàm phán có nguy cơ đi vào ngõ cụt trở nên thành công, bởi vì họ hiểu và biết vận dụng khả năng “bóng gió”.

Giám đốc siêu thị nọ đang đàm phán về chất lượng sản phẩm với nhà cung ứng.

Nhà cung ứng không thừa nhận rằng sản phẩm của mình có vấn đề về chất lượng, không chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng, ngược lại còn “mặt dày” nói rằng sản phẩm của mình tốt như thế nào.

Giám đốc của siêu thị không thẳng thừng phản bác vấn đề này mà mỉm cười nói với nhà cung ứng: “Ông anh, khi nào thì phát triển sản phẩm mới?”

“Sản phẩm mới, sản phẩm mới nào, đó chẳng phải là sản phẩm vừa bán cho các ông đấy sao?”

“Đâu có, ông nhớ nhầm rồi”, nói rồi viên giám đốc đưa tờ giấy kiểm nghiệm trong tay ra.

“Sản phẩm các ông bán không những có vấn đề về chất lượng, hơn nữa còn không có tính năng mà ông vừa nói, sao là sản phẩm mới được? Ông anh đừng đùa nữa.”

Giám đốc nói xong thì bật cười ha hả, nhà cung ứng khó lòng nói lại, chỉ đành cười trừ.

Nếu viên giám đốc chỉ dựa vào kết quả kiểm nghiệm trong tay để chỉ trích trực tiếp nhà cung ứng thì đương nhiên nhà cung ứng tuy rằng đuối lí nhưng vẫn sẽ tìm kiếm đủ mọi lí do, nguyên nhân để khiến vấn đề vốn đơn giản trở nên khó giải quyết.

Viên giám đốc thông minh đã nói bóng nói gió, hài hước nhắc nhở nhà cung ứng, từ đó khiến họ chẳng còn lời nào để nói, đồng thời còn khiến họ thấy xấu hổ mà vẫn phải cảm kích trước sự thấu tình đạt lí của viên giám đốc.

Cuối cùng, sự hài hước của viên giám đốc đã khiến nhà cung ứng tích cực phối hợp với siêu thị để thuận lợi giải quyết vấn đề.

Còn một ví dụ nữa: Năm 1986, một xưởng thủy tinh ở Quảng Đông gặp vấn đề về thiết bị nhập khẩu mới nên đã tiến hành cuộc đàm phán với công ty thủy tinh của Mĩ. Trong quá trình đàm phán, trong vấn đề nhập khẩu toàn bộ hay nhập khẩu một phần, đôi bên đã tranh luận suốt một thời gian dài mà chưa tìm ra kết quả.

Công ty bên Mĩ kiên quyết với phương án nhập khẩu toàn bộ, còn xưởng thủy tinh Quảng Đông lại kiên quyết nhập khẩu một phần dây chuyền sản xuất để giữ vững nguyên tắc vừa nhập khẩu thiết bị mới, vừa tiết kiệm ngoại hối cho quốc gia.

Để giải tỏa không khí căng thẳng, đại diện của công ty này mỉm cười nói: “Cả kĩ thuật, thiết bị lẫn kĩ sư của công ty các ngài đều đứng số một trên thế giới. Các ngài dùng thiết bị tốt nhất của mình để giúp chúng tôi trở thành số một trong nước, điều này không những có lợi cho chúng tôi, mà còn có lợi cho các ngài! Nhưng ngoại hối của chúng tôi chỉ có hạn, các thiết bị trong nước đã có thì không cần phải nhập khẩu nữa. Hiện nay các quốc gia khác cũng chuẩn bị đầu tư cho các công xưởng ở miền Bắc nước tôi, nếu các ngài không nhanh chóng hợp tác với chúng tôi thì chắc chắn các ngài sẽ mất một thị trường lớn ở Trung Quốc, người khác sẽ cười công ty các ngài là vô dụng”.

Chỉ mấy câu nói ấy đã tạo ra một hiệu ứng rất kì diệu, khiến nút thắt bị gỡ bỏ, sau đó đôi bên nhanh chóng đi đến thỏa thuận.

Đó là cục diện thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đàm phán. Đối thủ ngay từ đầu đã chiếm thế thượng phong, hoàn toàn không chấp nhận mọi yêu cầu của bạn, chỉ dùng những câu đại loại như “Các anh mau trả lời cho chúng tôi” để ép bạn phải lập tức trả lời một câu hỏi không dễ trả lời. Mà vào lúc này, nếu bạn không trả lời hoặc ậm ừ cho qua thì họ sẽ chỉ trích bạn không có thành ý.

Đối mặt với tình huống này, chúng ta nên làm thế nào? Tốt nhất là kịp thời đưa ra câu trả lời, nhưng không nên dễ dàng chấp nhận nội dung mà đối phương đưa ra, nếu không bạn sẽ rơi vào bẫy của họ!

Lúc này, bạn có thể tránh đi thẳng vào vấn đề của đối phương. Khi trả lời, tuy rằng nên cố gắng thay đổi tiêu điểm, nhưng không được nói năng tùy tiện. Nếu không đối phương sẽ cho rằng bạn coi thường họ, và sẽ nổi giận với bạn.

Lúc này, bạn có thể nói trước rằng: “Tôi không biết câu trả lời này có thể trả lời trực tiếp câu hỏi của ngài không”.

Sau đó, bạn có thể nói ra những vấn đề không quan trọng lắm xung quanh phạm vi câu hỏi của đối phương, tránh xung đột trực diện, để nắm lại quyền chủ động trong đàm phán.

Ngoài ra, vào lúc này, bạn còn phải tỏ ra vô cùng thành khẩn, khiến đối phương sẵn lòng đi theo ý mà bạn nói, từ đó giúp cuộc đàm phán có khả năng tiếp tục.

Khi đối phương tỏ ra không thể chấp nhận được vấn đề đó, bạn phải cố gắng chuyển sự chú ý của đối phương từ vấn đề nhạy cảm sang vấn đề của mình, hơn nữa tốt nhất là một vấn đề cũng quan trọng tương tự trong nhận thức của đối phương.

Bạn có thể nói với đối phương là: “Vấn đề mà anh nói đúng là rất quan trọng, nhưng còn một vấn đề nữa thực ra cũng quan trọng không kém, tôi nghĩ anh cũng nghĩ vậy”.

Sau đó, bạn sẽ nói rõ vấn đề mà mình cần nói cho họ biết, hơn nữa phải cố gắng để đối phương cho rằng vấn đề này cũng có tầm quan trọng tương đương, thậm chí là cao hơn.

Ngoài ra, bạn cần phải ghi nhớ: Đối với những vấn đề không dễ trả lời, có thể dùng phương pháp nói tránh để biểu đạt, để đối phương chấp nhận yêu cầu của bạn qua ngôn ngữ gián tiếp.

Bởi vì để hiểu được ảnh hưởng của quan hệ gián tiếp đối với vấn đề thì đối phương không thể không lắng nghe lời bạn nói.

Mục đích của việc nói bóng nói gió là để có thể thuận lợi đi vào chủ đề chính. Đặc biệt là do sự khác biệt về ý kiến hay điều kiện của đôi bên quá lớn, hơn nữa lại không muốn thỏa hiệp hay nhượng bộ, nên kĩ năng đàm phán có thể giúp tránh được việc bạn rơi vào cục diện bế tắc.

Còn khi bạn đang ở vào trạng thái bế tắc, nếu bạn biết khéo léo vận dụng cách nói chuyện, tạm gác vấn đề tranh chấp sang một bên, từ đó thay đổi hay xoa dịu không khí đàm phán, thúc đẩy đối phương thảo luận lại vấn đề trong bầu không khí trò chuyện cởi mở, thân thiện hơn thì bạn sẽ đạt được thắng lợi cuối cùng trong trận chiến này.

Kết quả đàm phán trên thực tế đã chứng minh, có những lúc chỉ có thay đổi chủ đề mới có thể thực hiện được mục tiêu đàm phán, nhất là khi bạn không thể hoàn toàn tin tưởng đối phương.

Bởi vậy trong quá trình đàm phán, nắm bắt được kĩ năng này là vô cùng quan trọng.

5. HÀI HƯỚC LÀ NGHỆ THUẬT GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG ĐÀM PHÁN

Hài hước có rất nhiều sức mạnh thần kì.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường từng hóm hỉnh nói: “Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nếu các nước đều phái danh hài đi đàm phán thì chắc chắn có thể tránh được cuộc chiến tranh này”.

Hài hước là một sức mạnh mà người khác không thể kháng cự được, hài hước là một trí tuệ, một người muốn vận dụng được nó thì cần phải có một trái tim quảng đại, một thái độ thản nhiên và một kiến thức phong phú.

Hài hước cũng là một thái độ sống, có thể nói một cách chân thực rằng, một người hài hước sẽ phù hợp làm người bán hàng hơn là một người nguyên tắc.

Tương tự, trong những cuộc đàm phán, nếu bạn có trí tuệ hài hước, hơn nữa biết vận dụng nó thì bạn sẽ dễ dàng đạt được chiến thắng hơn.

Trên bàn đàm phán, có nhiều lúc vì ngôn ngữ của đôi bên bất đồng, hoăc chủ đề trò chuyện rơi vào tình huống khiến một bên hoặc cả hai bên khó có thể đối phó được khiến không khí đột nhiên rơi vào khó xử, ngượng ngập.

Vào lúc này, nếu bạn biết vận dụng ngôn ngữ hài hước một cách thích đáng thì sẽ tránh được hoàn cảnh khó xử, hơn nữa có thể khiến bạn nắm được quyền chủ động trong đàm phán.

Ví dụ, trong những ngành nghề dịch vụ như nhà hàng, khách sạn thường xuyên có những sự việc khiến người ta khó xử hay khó có thể đối phó, mà những xung đột hoặc lớn hoặc nhỏ này rất dễ dàng khiến mối quan hệ giữa khách hàng và chủ nhà hàng trở nên căng thẳng và xảy ra tranh chấp.

Một người phụ nữ nổi giận lao vào một cửa hàng tạp hóa, quát lớn: “Vì sao lần nào con trai tôi mua mứt hoa quả ở đây cũng đều bị thiếu cân vậy?”

Nhân viên bán hàng nghe vậy không hề tỏ ra bối rối, cũng không luôn miệng phủ định hay biện hộ. Anh nghĩ ngợi một lúc rồi đoán được nguyên nhân của việc đó.

Anh lịch sự mỉm cười trả lời: “Thưa bà, vì sao bà không cân trọng lượng của cậu con trai đáng yêu của bà, xem cậu ấy có nặng hơn trước khi đi mua mứt hoa quả không.”

Bà mẹ nghe vậy thì hơi khựng lại, sau đó vỡ lẽ ra, lửa giận tan hết. Bà bĩnh tĩnh nói với nhân viên bán hàng: “Ồ, tôi xin lỗi, xem ra tôi hiểu lầm các anh rồi”.

Rất nhiều cửa hàng gặp phải những vị khách tới tận cửa hàng mình “kiến nghị” về sản phẩm, nếu nhân viên bán hàng cũng như khách hàng, không giữ được bình tĩnh mà cãi cọ nhau thì không khí sẽ trở nên căng thẳng, một vấn đề rất nhỏ ban đầu sẽ bị xé thành to, cuối cùng đôi bên thậm chí còn đưa nhau ra tòa vì một chuyện không đâu.

Nếu cứ kéo dài như thế thì việc kinh doanh và uy tín của cửa hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Trong câu chuyện nhỏ kể trên, người nhân viên bán hàng đã có một biện pháp giải quyết rất thông minh.

Nhân viên bán hàng này chắc chắn rằng mình không hề cân sai, bởi vậy, cuối cùng chỉ còn lại một khả năng, đó là đứa trẻ con háu ăn đã ăn vụng mứt hoa quả.

Vào lúc này, nếu nhân viên bán hàng cảm thấy “Tôi là người có lí” và phản bác lại khách hàng rằng: “Tôi không hề cân sai, chắc chắn con trai bà đã ăn vụng” hoặc nói bằng một giọng nói không thân thiện: “Sao bà không hỏi con mình mà lại chỉ trích là tôi cân sai, thật vô lí” thì chắc chắn sẽ khiến vị khách này không những không bớt giận mà còn gây ra một cuộc tranh luận lớn hơn.

Bởi vậy, khi xử lí những vấn đề phiền phức tương tự, nhân viên bán hàng nên dùng ngữ khí hài hước, uyển chuyển để lịch sự chỉ ra vấn đề mà đối phương đã bỏ qua, như thế không chỉ bảo vệ được danh dự của cửa hàng, mà đồng thời còn giữ được thể diện cho khách hàng, tránh được một cuộc tranh cãi vô nghĩa và “giữ khách” cho cửa hàng mình.

Đương nhiên, trong thực tế cuộc sống không phải mọi vấn đề đều đơn giản như vậy, đều có thể dễ dàng giải quyết bằng sự hài hước; nhưng vận dụng sự hài hước một cách thích hợp ít nhất có thể giải tỏa được hoàn cảnh khó xử, khiến đôi bên giải quyết được vấn đề khi không khí đã được xoa dịu.

Mục đích của đàm phán là để đôi bên hợp tác với nhau và thông qua sự hợp tác, đáp ứng được nhu cầu của nhau.

Do vậy, trong quá trình đàm phán, bạn không nhất thiết phải bám lấy một chi tiết nhỏ, mà nên để ý đến toàn cục, giải quyết sự việc một cách độ lượng và có sách lược.

Còn khi đàm phán rơi vào bầu không khí căng thẳng, bế tắc, đôi bên nên tích cực áp dụng biện pháp để hóa giải.

Trong số các phương pháp để hóa giải sự căng thẳng, khó xử, hài hước chính là lựa chọn tốt nhất.

Có một người tới một công ty xin việc.

Giám đốc công ty này nói: “Xin lỗi, danh sách ứng tuyển đã đủ, những người muốn tới công ty tôi làm việc quá nhiều, tôi còn chẳng ghi được hết tên cơ”.

Người này nghe thấy thế không hề nản chí bỏ về, mà lập tức tỏ ra vui vẻ, hào hứng nói: “Tuyệt quá! Tuyệt quá! Ông bận như thế thì chứng tỏ quý công ty còn cần người, vậy ông hãy để tôi làm nhân viên ghi đăng kí cho”.

Thế là người này được tuyển dụng.

Trong quá trình đàm phán này, không những phải cân nhắc ngôn ngữ của bản thân, mà còn phải cân nhắc kĩ càng ngữ khí của đối thủ để tìm ra được tiếng nói chung, sẵn sàng “tấn công” đối phương bất cứ lúc nào, từ đó đạt được mục đích của mình.

Một tỉ phú mời một họa sĩ người Do Thái tới vẽ tranh chân dung cho mình.

Nhưng khi họa sĩ người Do Thái này tỉ mỉ vẽ xong tranh chân dung cho ông ta thì ông ta lại từ chối trả khoản tiền 5.000 đô-la như đã hứa với lí do: “Người ông vẽ không phải tôi”.

Không lâu sau đó, họa sĩ người Do Thái mang bức tranh chân dung này đi triển lãm, đề tên là “Tên cướp”. Tỉ phú biết chuyện thì vô cùng phẫn nộ, gọi điện thoại cho người họa sĩ.

“Chuyện này có liên quan gì tới ông đâu?”, – người Do Thái bình tĩnh nói trong điện thoại, – “Chẳng phải ông nói người trong bức tranh không phải là ông còn gì”.

Cuối cùng, vị tỉ phú này không thể không mua bức tranh đó và đổi tên thành “Nhà từ thiện”.

Một hôm, một nhà văn người Mĩ đến tạp chí nọ lĩnh tiền nhuận bút. Bài viết của ông đã được đăng, tiền nhuận bút đáng lẽ phải trả từ sớm rồi mới phải. Nhưng khi ông yêu cầu được lĩnh tiền thì người ở tòa soạn lại nói: “Thật xin lỗi ngài. Chi phiếu đã chi ra, nhưng giám đốc vẫn chưa kí, bởi vậy không lĩnh được tiền”.

“Khoản tiền phải thanh toán từ lâu mà sao ông ta không kí?”, – nhà văn có vẻ hơi bực.

“Bởi vì ông ấy bị thương ở chân, đang nằm trên giường”.

“Ồ! Tôi hi vọng chân ông ấy sớm lành lại. Bởi vì tôi muốn xem ông ấy dùng chân nào để kí tên”.

Lời nói hài hước của nhà văn này chỉ đến đó mà thôi, chắc chắn tòa soạn báo đó sẽ không dám nợ tiền nhuận bút lâu hơn nữa.
Địa chỉ mua sách online ở đâu?

Trong cuộc đàm phán, có nhiều lúc thực ra chỉ cần bạn hài hước một cách đúng lúc là có thể phá vỡ được sự căng thẳng và khiến cuộc đàm phán được “hồi sinh” và đạt được thành công. Từ đó có thể thấy, hài hước chiếm một vị trí không thể thiếu trong đàm phán, nếu bạn biết vận dụng nó một cách khéo léo thì bạn có thể chuyển bại thành thắng.

Theo vnwriter.
Từ khóa tìm kiếm: hai huoc 1 chut the gioi se khac di pdf, hài hước không khó pdf, hài hước một chút cuộc sống sẽ khác, sách dạy hài hước, hai huoc mot chut the gioi se khac di prc, nghệ thuật hài hước pdf, review sách hay 2019, sách hay nên đọc 2019, góc review sách hay, sách hay 2018, những cuốn sách đáng đọc 2019, review sách hay 2018, những trang review sách hay nhất, review sách về nhà, book review essay, book review example, book review essay example, book review format, book review template, book review là gì, write a short review of a good book, writing book review
REVIEW SÁCH TLKN
https://me.momo.vn/khong

Đăng nhận xét