Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội (cơ quan đại biểu cao nhất của
Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất), Chính phủ không chỉ có nhiệm
vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị
quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (khoản
1 Điều 96), báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ
tịch nước mà còn có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ
Quốc hội, Chủ tịch nước về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thông
qua xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc
hội, Chủ tịch nước giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm
quản lý, điều hành của Chính phủ.
Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định khác theo hướng làm
rõ hơn chức năng, mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội và các cơ quan nhà
nước khác, như: bỏ quy định về thẩm quyền của Quốc hội “quyết định chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh”; phân định rõ hơn phạm vi chính sách và các
vấn đề quan trọng do Quốc hội và Chính phủ quyết định trên một số lĩnh vực,
như: Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản
phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; quyết định chính sách cơ bản về tài
chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết
định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và
ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn nợ an toàn quốc gia, nợ công,
nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách
trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; phê chuẩn, quyết định
gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến
tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước
quốc tế về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước
quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội…
Tổ chức Chính phủ là gì
Tổ chức Chính phủ là văn bản pháp luật (Luật Tổ chức Chính phủ) bao
gồm tổng thể các quy định pháp luật do nhà nước ban hành nhằm quy định vị
trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ, làm cơ sở cho
việc tổ chức và xây dựng cho các cơ quan này.
Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 đã được thay thế bởi Luật tổ chức Chính
phủ năm 2015 trên cơ sở kế thừa các Luật năm 1960, 1981, 1992, 2001.
Chính phủ là cơ quan bảo vệ pháp luật đúng hay sai?
Chính phủ là cơ quan bảo vệ pháp luật là Sai, đáp án Đúng là Viện
kiểm sát.
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt
động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ
quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ
lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,
góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Còn Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội,
Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; trình dự án luật, dự án ngân
sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh
trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 96); ban hành văn bản pháp
luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, kiểm tra việc thi hành các văn
bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật (Điều
100); thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế,
khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại,
quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh
tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và
các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài
sản của Nhân dân (khoản 3 Điều 96); bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước
và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội (khoản 6 Điều 96); tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh
Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập,
phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ,
trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều
70 (khoản 7 Điều 96)…