Mã giảm giá cập nhật liên tục! SĂN SALE Xem ngay!

Bình Bán Vắn là gì?

Bình Bán Vắn là tên một ca khúc điệu bình bán trong âm nhạc tài tử cải lương, đây là bài hát trong Ca nhạc Tài tử miền Nam
Bình Bán Vắn là tên một ca khúc điệu bình bán trong âm nhạc tài tử cải lương, đây là bài hát trong Ca nhạc Tài tử miền Nam. Cũng như các bài Lưu Thủy đoản hay Kim Tiền, bài Bình Bán Vắn xuất xứ từ Ca nhạc Huế. Làn điệu này đã theo chân những lưu dân miền Trung vào miền Nam từ thế kỷ 17 đến 19. 

binh-ban-chan-la-gi


Ở Huế và miền Trung, bài này có tên là Bình Bán Hạ để phân biệt với bài Bình Bán (cũng được gọi là Bình Bản hay Bình Nguyên) trong mười bài Ngự nhạc. Tên nguyên thủy Bình Bản có nghĩa là bản nhạc với âm điệu bình hòa, thanh nhã. 

Bình bán có hai loại: bình bán vắn và bình bán chấn.
  • Bình bán vắn là bản nhạc ngắn, câu chữ, nhịp thức cũng đều rút ngắn (nằm ở cung Bắc tức hơi Bắc). Bản Bình bán vắn có 22 câu nhịp đôi (mỗi câu hai nhịp) và song loan chiếc. Nó không được liệt vào 20 bài bản Tổ, nhưng là một trong những giai điệu khá phổ biến của giới tài tử. Có nghĩa là bản Bình đoản - Bình bán vắn - Kim tiền Huế. Là một chỉnh thể trong nhạc tài tử và được diễn tấu liên hoàn cả ba thể điệu này. Còn trong cải lương thì mỗi thể điệu được tách riêng và sử dụng độc lập. Tính chất giai điệu xôm tụ, vui nhộn, màu âm tươi tắn và trữ tình. Thường xuất hiện ở nhũng tình huống hài và sử dụng cho những nhân vật tính cách và hài hước. Thông thường nó xảy ra ở tình huống dự báo và phát triển xung đột, chứ không tự gây xung đột kịch. Trước năm 1975, nhiều soạn giả cải lương thường sử dụng thể điệu Bình bán vắn, nhưng từ sau 75 thì ít được khai thác trở lại.
  • Bình bán chấn là bản nhạc rộng, cả câu chữ và nhịp thức. Nó nằm trong 6 bản Bắc của hệ thống 20 bài bản Tổ nhạc tài tử. Là loại bài bản khó ca và khó đờn, những nhạc sĩ và nghệ nhân có đẳng cấp cao mới đạt đến thông thạo Bình bán chấn. Bởi lẽ, là một thể điệu có nhiều nhịp ngoại và nhịp chẻ nhất so với các bài bản cùng nhóm. Người ca phải có làn hơi khỏe, âm vực rộng mới ngân nga cho ra ''hơi'' Bình bán, còn nếu không ngược lại. Người đờn phải chắc nhịp, thuộc lòng chữ nhạc và nhịp thức, nắm vững căn cội câu nào nhịp ngoại và câu nào chẻ nhịp trong lòng câu.
Cả hai đều có nguồn gốc từ nhạc tài tử. Những tính năng và độ dài khác nhau, nghĩa là số câu và nhịp thức khác nhau cũng như khác nhau về tính chất.

Bình bán chấn có 44 câu - nhịp tư (mỗi câu có bốn nhịp), song loan rơi vào nhịp thứ ba và thứ tư của câu. Tính chất tự sự và hùng hồn, nhưng tự thân âm nhạc giàu kịch tính, do ngắt câu chẻ nhịp. Nhưng cũng là thể điệu phóng khoáng do bản lĩnh người ca và người đờn, khi dàn nhạc và người ca ngang sức ngang tài thì trở nên đồng điệu thăng hoa cho bản Bình bán chấn trở nên tuyệt vời. 

Trước năm 1975, thỉnh thoảng có xuất hiện trong cải lương, nhưng chỉ có lớp I. Còn sau 1975, hiếm thấy, vì là loại bài bản khó đòn khó ca nên các soạn giả cải lương không quan tâm. Nếu, bản Bình bán chấn được khai thác, đưa vào cải lương thích hợp với tình huống nó xuất hiện, thì hiệu quả âm nhạc sẽ phong phú hơn, tính cách nhân vật đa dạng hơn. Từ đó, diễn viên sẽ tạo được nét diễn một tình huống âm nhạc cao hơn.

Có thể nói, trong nhiều vở diễn cải lương những năm qua thiếu hẳn màu sắc âm nhạc của Bình bán vắn và Bình bán chấn với nguyên nhân cơ bản nêu trên. Về tác giả kịch bản, sáng tác lời ca cho hai thể điệu này thì không khó, nhưng vấn đề là diễn viên cải lương có ca được hay không. 

Hầu hết các diễn viên có trường lớp thì ca được Bình bán vắn, nhưng chưa chắc đã ca được Bình bán chấn. Sự giàu có của âm nhạc dân tộc, cụ thể là còn nhiều thể điệu mà cải lương chưa sử dụng đến, vậy điều đó đồng nghĩa với sự nghèo nàn về âm nhạc. Nói cách khác, lý do của lối mòn là chúng ta không chịu khai thác sự phong phú của giai điệu còn nằm hằng hà trong kho tàng âm nhạc dân tộc.

Trong sách Ca Xướng Miền Nam (1974) do thầy Phạm Văn Nghi và cô Hồ Thị Bửu soạn và sử dụng trong các lớp ca cổ ở Trường Quốc Gia  m Nhạc Sài Gòn, bài Bình Bán Vắn có lời ca mới “Xuân Về Hoa Nở” như sau:
  • 1- Xuân mừng xuân tốt tươi
  • 2- Trắng đỏ vàng hoa nở khắp nơi
  • 3- Nồng hơi hương sắc xinh khoe màu
  • 4- Hoa đào càng tươi, mùi lý kém chi
  • 5- Đó khóm mai, nầy cúc đơm bông
  • 6- Gió phất phơ đưa hường lay động
  • 7- Nhành liễu buông mành tha thướt
  • 8- Lan, hải đường cùng lài đua xinh
  • 9- Bầy ong chen với bướm nhộn nhàng …
  • 10- …lần cành vẩn vơ khắp trên muôn hoa
  • 11- Én lướt bay cùng liệng khắp nơi
  • 12- Đàn chim hót trên cành líu lo
  • 13- Đờn nhặt khoan đưa hơi thâm trầm
  • 14- Cống líu xê cống xê xang xự
  • 15- Xanh da trời một màu nước biếc,
  • 16- Bầu phong quang đầy vẻ thắm tươi
  • 17-Mừng xuân ta đồng mừng xuân
  • 18- Xuân miên trường đời đời mừng xuân
  • 19- Đầy tương lai hạnh phúc vẻ vang
  • 20- Với đất nước xuân mãi không dừng
  • 21- Dành tài ba quyết tâm vun bồi
  • 22- Sơn hà Việt Nam ngàn thuở xứng danh
Một điều thú vị là giai điệu của bài Bình Bán Vắn không chỉ được lưu truyền trong nhạc truyền thống Việt, mà còn được sử dụng làm nét nhạc chính của một số tác phẩm soạn cho nhạc khí và dàn nhạc Tây phương. 

Trong tổ khúc giao hưởng “Nguyên Đán: Fêtes du Têt” của bà Thái Thị Lang (nghệ danh Louise Nguyễn Văn Tỵ) soạn cho piano và dàn nhạc giao hưởng năm 1952, hai câu đầu của bài Bình Bán Vắn xuất hiện như nhạc đề chính của chương I và IV của tác phẩm này. 

Tác phẩm này được dàn nhạc Concerts Lamoureux do nhạc trưởng Jean Martinon chỉ huy công diễn tại Paris năm 1953.

Hành trình lưu truyền và phát triển của giai điệu Bình Bán Vắn cho ta thấy rằng một làn điệu cổ truyền đơn giản lại ẩn chứa một nguồn sống âm nhạc vô tận. 

Nếu biết trân quý, giữ gìn và khai thác những hạt giống này, chúng ta có thể có những ruộng hoa với hương thơm lan xa đến những chân trời cao rộng toàn cầu.

Theo tranquanghai.multiply.com, thanhcadu.com chia sẻ.
LÀ GÌ
https://me.momo.vn/khong

Đăng nhận xét